SỨC YẾU CỦA Ý CHÍ, SỨC MẠNH CỦA MÔI TRƯỜNG | CHUỖI BÀI VIẾT: TÔI TỰ HỌC TIẾNG ANH



Khi mới bắt đầu học tiếng Anh, ta thường dựa dẫm vào ý chí. Vì sao vậy, vì nó mang lại kết quả ngay lập tức, và cho ta cảm nhận được nguồn sức mạnh kinh hãi nơi tinh thần tràn ngập khắp thân ta, chỉ ngay sau cái giây phút mà ta bật chiếc công tắc “ý chí” lên. Ta có thể lao ngay vào bàn học, dành 2-4 tiếng mỗi ngày để nghiên cứu, để học tiếng Anh liên tục vào những ngày đầu tiên. Thật là một kết quả không tồi khi mới khởi đầu phải không nào? Và ta cũng sẽ cảm nhận được sự hào hứng, hạnh phúc của ngọn lửa quyết tâm rực cháy nơi ta như thế nào, nó thiêu đốt mọi sự biếng nhác, mọi lời mời mọc rong ruổi, chơi bời từ bạn bè. Tình yêu của ta giờ đây, chỉ dành cho tiếng Anh mà thôi. Đấy, là nó đấy, sức mạnh của ý chí đấy! Nhưng để rồi, 1 tuần sau, 2 tuần sau, bỗng nhiên sức mạnh ý chí bỏ ta đâu mất biệt, tương tự như cái cách mà ta cũng bỏ tiếng Anh mà đi ngay sau đó vậy.

Tôi không phủ nhận sức mạnh của ý chí. Nhưng nó tiêu tốn quá nhiều năng lượng, và năng lượng là thứ quý giá mà cơ chế não bộ của ta không cho phép ta phung phí. Đó là lí do tại sao, sau vài ngày, vài tuần nương tựa vào sức mạnh ý chí để học tiếng Anh, thậm chí là tập gym, giảm cân… v.v… ta thường thất bại. Vì não bộ của ta nói rằng: “Chà chà, tốn nhiều năng lượng thế này mà kết quả thu lượm lại thì chẳng bao nhiêu. Tôi sẽ phải dừng việc này lại thôi.”

Việc học tiếng Anh là một chặng hành trình dài, ta phải mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm để mà có thể thấy được kết quả như ta mong muốn. Thành thử ra, nếu ta cứ liên tục vay mượn sức mạnh của ý chí, thì tỉ lệ rất cao là ta phải chào thua chính cái cơ chế tiết kiệm năng lượng tự nhiên của chính ta sau một thời gian ngắn. Sức mạnh của ý chí sẽ trở thành sức yếu của ý chí mất thôi.




Vậy thì ta có hướng tiếp cận nào khác, để mở màn cho việc học tiếng Anh thật là thuận lợi mà không phải phụ thuộc vào ý chí không?

Có chứ, đó là Môi Trường. Môi trường là một yếu tố cực kỳ quan trọng, để giúp cho ta thành tựu được bất cứ việc gì không kể lớn nhỏ. Ta đã quá quen thuộc với câu chuyện Chương Thị, mẹ của Mạnh Tử, ba lần chuyển nhà vì con. Tôi xin kể lại vắn tắt như thế này. Ngôi nhà đầu tiên của bà Chương Thị chuyển đến là một nghĩa trang, thấy con mình hay lẻn ra bãi tha ma gần nhà để nghịch ngợm, rồi cũng bắt chước người ta khóc lóc rên than. Bà quyết định chuyển nhà đi nơi khác. Căn nhà thứ hai lại ở gần chợ, thì Mạnh Tử bắt đầu học thói khoe khoang, học ăn nói lời lẽ chợ búa, bà quyết định chuyển nhà đi một lần nữa. Đến lần thứ ba, ngôi nhà được chuyển đến môt nơi gần khu trường học, Mạnh Tử thấy con người ta đi học, cũng bắt đầu có những biểu hiện của sự ham thích học hỏi. Đến đây, bà Chương Thị mới yên lòng. 


Từ câu chuyện trên, tôi có một câu hỏi liên quan đến việc học tiếng Anh như sau: Nếu bỏ qua tất cả mọi điều kiện cần phải cân nhắc, kể cả tiền bạc và thì giờ - cứ giả sử như là túi của bạn rủng rỉnh tiền và bạn là tỉ phú thời gian chẳng hạn - thì bạn sẽ làm cách nào để cải thiện tiếng Anh của mình nhanh nhất? Chắc chắn rằng phần lớn mọi người sẽ trả lời đó là dọn đến sống ở một quốc gia, mà nơi đó, con người ta sử dụng tiếng Anh để giao tiếp hằng ngày. Có thể đó là xứ Mỹ mộng mơ, cũng có thể là nước Anh quý tộc, cũng có thể là xứ Gia Nã Đại đầy lá vàng rơi. Ta chỉ cần ở đó 3-6 tháng, thì chắc chắc không nhiều thì ít, ta sẽ nói được tiếng Anh thôi.

Nhưng đây cũng chỉ là một ví dụ, nếu ta thật sự vừa có nhiều tiền, vừa có nhiều thời gian như thế, thì chắc hẳn rằng ta phải là một lão già giàu có đã về hưu. Nếu thế thì ta còn bàn đến chuyện học tiếng Anh làm gì cơ chứ? Vì thứ mà ắt hẳn ta thật sự quan tâm nhất lúc này là hành trang chuẩn bị cho chuyến xe đò đến với thế giới bên kia. Nhưng rồi, còn những du học sinh thì sao, họ vẫn sống và học tập ở nước ngoài, và họ vẫn nói tiếng Anh như sáo kia mà? Thì đúng là vậy rồi, nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để mà có thể trở thành một du học sinh.

Qua những ví dụ trên, thì ta cũng đã thấy được rằng môi trường đóng một yếu tố quan trọng, có thể nói là bậc nhất, trong hành trình chinh phục tiếng Anh của chính ta. Nhưng vấn đề nan giải là không phải ai cũng có điều kiện để có thể định cư hoặc là đi du học nước ngoài, nhằm nương được thân mình ở một môi trường thật thuận lợi cho việc chinh phục tiếng Anh. Thế nên, những con người bình thường như chúng ta, có thể tìm được một môi trường nào khác, một miếng đất màu mỡ nào khác để giúp cho chiếc hạt giống tiếng Anh có cơ hội nảy mầm thành cây không nhỉ? Ta sẽ lại bàn với nhau vào dịp khác nhé!!!

HOÀNG PHÚC

Đăng nhận xét

0 Nhận xét