MÔI TRƯỜNG TIẾNG ANH CHO NGƯỜI VIỆT (P.3) | CHUỖI BÀI VIẾT: TÔI TỰ HỌC TIẾNG ANH


Môi trường công việc có sử dụng tiếng Anh


Có một thời gian, tôi đi dạy tiếng Anh ở một trung tâm nọ, được làm quen với một cậu sinh viên năm nhất trẻ tuổi, cậu làm công việc trông xe cho trung tâm như là một việc làm thêm buổi tối. Cũng như chúng ta, như bao con người bình thường khác ở cái độ tuổi mới tốt nghiệp xong cấp ba. Cậu ta chỉ biết vài câu chào hỏi cơ bản như “What’s your name?”, “How are you?”, “I’m fine, thank you and you!” Và rồi, xin được một chân công việc trông xe để làm thêm và biết chừng đó tiếng Anh, thì cũng có thể nói là: vốn liếng đã quá đỗi dư thừa. Cậu học cao đẳng ngành công nghệ ô tô, và cậu cũng chả có nhu cầu học tiếng Anh để làm gì. Vì sau này, cậu xác định là chỉ nằm gầm máy xe 24/7 mà thôi.

Có thời gian tôi nghỉ việc tại trung tâm đó để đi làm ở nơi khác. Sau 3 năm, có dịp gặp lại thì cậu sinh viên năm nhất ấy đã ra trường và đi làm rồi. Điều đáng chú ý ở đây là tiếng Anh của cậu ta đã tiến bộ rất nhiều, có thể nghe nói cơ bản khá là tốt, với trình độ của cậu ta hiện tại thì đã có thể tự do đi du lịch nước ngoài, tha hồ mà hỏi đường hỏi xá, tha hồ mà gọi món trong nhà hàng, và tha hồ mà khoanh tay đứng tán chuyện phím với Tây, mặc dù đôi lúc cũng sẽ còn hơi khó khăn một chút. Đối với tôi thì nếu dành 3 năm để học tiếng Anh không ngừng nghỉ thì thành quả như vậy thì cũng chả có gì đặc biệt cho lắm. Nhưng điểm mà chúng ta cần lưu ý ở đây là cậu ta chả học hành gì sất. 


Tôi có hỏi thăm lý do vì sao mà sau 3 năm, tiếng Anh của cậu ta lại tiến bộ như thế, thì cậu cũng có chia sẻ rằng công việc giữ xe không chỉ đơn giản là một công việc nhàn nhã như thể chỉ ngồi vắt chéo chân, và ngắm nhìn những chiếc biển số xe. Mà cậu thường xuyên bị gây áp lực từ phía học viên tại trung tâm. Áp lực gì ư? Đó là phải giao tiếp tiếng Anh với họ. Các học viên sau khi tan lớp có quán tính vẫn dùng tiếng Anh cho đến khi ra về. Cho nên những câu chào tạm biệt bằng tiếng Anh là những thứ đầu tiên mà cậu được nghe và thẩm thấu từ những ngày đầu làm việc. Có những lúc học viên bắt chuyện với cậu bằng tiếng Anh thì cậu cũng chẳng hiểu gì, và không biết phải trả lời như thế nào. Nhưng nếu cậu gặp phải những học viên dễ thương và thân thiện thì có thể họ sẽ vẽ cho cậu vài đường mà họ đã học được trong lớp. 

Và thế là cậu đã học thuộc lòng những câu tiếng Anh thông dụng như học bảng cửu chương. Cậu có thể hỏi học viên xem là họ muốn dẫn xe quay đầu về hướng nào để tiện về nhà, cũng như đôi khi than phiền với học viên là thời tiết dạo này hay mưa quá, nên họ hãy thông cảm giúp cậu vì những chiếc yên xe ướt nhẹp. Và tất cả những mẫu đối thoại ấy, cậu đều dùng tiếng Anh hết ráo. 

Chưa dừng lại ở đó, đôi khi giao tiếp với học viên về những chủ đề xa lạ, cậu thường rơi vào thế bí. Và cậu có chia sẻ lại với tôi là cậu rất khó chịu với chính mình vì không biết làm thế nào để có thể phản hồi lại với họ. Vậy nên, sau những giờ tan lớp, cậu lại lân la làm quen với những giáo viên, trợ giảng để mà hỏi đông hỏi tây, để mà được chỉ bảo thêm. Và thú thật là hồi tôi còn làm việc ở đó, thì tôi là người chỉ giáo cậu nhiều nhất, vậy nên tôi mới được tiếp xúc, và có nhiều thông tin về cậu để mà kể cho các bạn nghe.

Cứ bằng cách học lỏm ấy, ngày này qua tháng nọ. Cậu đã có thể nghe-hiểu được tất cả những mẫu đối thoại cơ bản, cậu cũng chả ngại ngùng gì khi phải giao tiếp với người nước ngoài, vì mấy lão giáo viên tây ba lô ngày nào mà chả lân la bên ngoài hóng gió trước giờ dạy và không quên chỉ cho cậu vài ba đường tiếng Anh! Mặc dù cậu là dân kỹ thuật, có hơi ít nói, và rụt rè, nhưng một môi trường năng động, bằng cách này hay cách khác để khiến cậu trở nên hoạt bát hơn trong lời ăn tiếng nói, và đặc biệt là cậu chả cần phải đăng ký học qua lớp tiếng Anh nào, mà trình độ tiếng Anh của cậu giờ đây cũng đã là một cái ngưỡng mà nhiều người chúng ta đây cũng phải mơ ước lắm rồi.


Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với tôi từ năm 2016. Lúc ấy tôi đang trong khoảng thời gian Gap Year - cho bạn nào chưa biết thì Gap Year là một năm, hoặc nhiều năm, các bạn nghỉ ngơi sau khi đã hoàn thành xong chương trình Trung Học Phổ Thông, để đi làm, đi du lịch, đi trải nghiệm đó đây nhằm tìm ra niềm yêu thích, định hướng tương lai của mình trước khi ra quyết định chọn ngành vào đại học (hoặc là một lựa chọn nào đó khác đại học chẳng hạn). Thật ra mà nói thì lúc đó tôi thi rớt Đại Học và chả biết mình sẽ phải làm gì với cuộc đời của mình. Vậy nên tôi chọn lên Sài Gòn và đi tìm việc làm nuôi thân. 

Công việc đầu tiên mà tôi tìm được trên Sài Gòn là một chân phục vụ bàn ở một chuỗi nhà hàng ở quận 7. Như các bạn đã biết thì đất Sài Thành là nơi mà có rất nhiều người nước ngoài đến du lịch, làm việc và sinh sống. Vậy nên công việc của tôi cũng không ít lần được có cơ hội phục vụ những thực khách ngoại quốc ghé qua nhà hàng để dùng bữa. Và sau vài tháng chạy bàn đến sút cả gần chục kí lô, thì cũng như cậu sinh viên kia, khả năng tiếng Anh của tôi đã cải thiện đôi chút. Ít nhất là lúc ấy tôi cũng đã thuộc làu làu một vài mẫu câu tiếng Anh, để có thể chào khách, hỗ trợ khách gọi món, và không quên nói lời cảm ơn chân thành và thật trìu mến khi mấy vị khách tây hào phỏng ấy dúi khoản tiền tip kếch xù vào lòng bàn tay của tôi. 

Mặc dù lúc ấy tôi cũng chả tự hào gì với trình độ tiếng Anh của mình, vì tôi chỉ học thuộc lòng và nói lại những mẫu câu tiếng Anh như một con vẹt. Song, tôi vẫn phải thừa nhận rằng, đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi thấy tiếng Anh thật sự hữu ích, và tôi có thể sử dụng tiếng Anh đúng với mục đích thật sự của nó, đó chính là để giao tiếp & trao đổi thông tin. Giai đoạn khởi đầu chả mấy rực rỡ của tôi, cũng như của cậu sinh viên năm nhất được kể ở trên, hoá ra lại là nấc thang đầu tiên, và là chiếc bàn đạp tuyệt vời, giúp cho bọn tôi thành tựu được việc học tiếng Anh của mình trong tương lai.


Có được một công việc mà nơi đó, nhu cầu sử dụng tiếng Anh cũng giống như nhu cầu được sống và được hít thở, thì sớm muộn gì, bạn cũng nói được tiếng Anh mà thôi. Nhưng điều quan trọng ở đây là gì? Bạn phải có được một công việc mà nơi đó có sử dụng tiếng Anh đã chứ! Mọi chuyện sẽ quá ư là dễ dàng đến tuyệt cú mèo nếu bạn đang ở trong độ tuổi 18-19, cái độ tuổi mà bạn sẵn sàng làm bất cứ công việc nào, với bất cứ mức lương nào, mà bạn có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu; và yêu cầu tuyển dụng thì lại còn dễ hơn cả ăn bánh. Ta có thể kể đến một vài công việc như cộng tác viên tư vấn cho các nhãn hàng, công việc phục vụ nhà hàng, phục vụ quán café, hay thậm chí chỉ là một chân giữ xe cho một trung tâm anh ngữ chẳng hạn. Đổi lại bạn sẽ có cơ hội dễ dàng tiếp cận được với môi trường tiếng Anh nơi đó, và dù cho các bạn có muốn hay không, bạn chắc chắn sẽ nói được tiếng Anh, quan trọng là ít hay nhiều mà thôi.

Nhưng câu hỏi tiếp theo được đặt ra là, bạn sẽ phải làm gì nếu bạn không phải ở độ tuổi 18 hay 19 mà là 25 tuổi trở đi. Độ tuổi mà bạn đã phải có ít nhất từ 3 năm kinh nghiệm việc làm rồi. Bạn muốn làm việc trong một môi trường tiếng Anh ư? Thì buộc bạn phải nói được tiếng Anh và thậm chí rằng bạn phải nộp thêm vài ba chứng chỉ tiếng Anh kèm theo như IELTS hoặc TOEIC trong hồ sơ xin việc của mình, để có cơ hội được làm một công việc có mức lương xứng đáng với mức năng lực hiện tại của bạn.

Sẽ chả có gì để nói nếu như bạn vẫn chấp nhận một chân bồi bàn hoặc trông xe để có thể cải thiện tiếng Anh của mình, nhưng nếu câu trả lời của bạn là KHÔNG, thì chúng ta sẽ lại một lần nữa phải quay về với những lớp học tiếng Anh, một giải pháp đơn giản và thiết thực nhất cho việc cải thiện tiếng Anh của chúng ta các bạn nhé!

HOÀNG PHÚC


Đăng nhận xét

0 Nhận xét